Chị Hòa, chủ quán nhậu tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) đượm buồn khi mấy ngày gần đây quán của chị chỉ lác đác vài khách ghé.
"Cách đây 2 tuần, nhiều khi 9h sáng đã có khách tới đặt bàn cho buổi tối nhưng gần đây dù đã xế chiều vẫn không thấy khách đâu", chị Hòa nói và cho hay, không chỉ quán chị mà cả khu này đều than vãn ế ẩm kể từ khi Luật Phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực.
Đồng cảnh ngộ, ông Hoàng Việt, quản lý một nhà hàng tại đường Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy cho biết, cả tuần nay, lượng khách tại quán của ông giảm gần một nửa so với trước. Lượng bia, rượu tại quán tiêu thụ vì vậy cũng chậm lại, trong khi các đồ uống như trà, nước ngọt tăng lên. Khách hàng nếu đến uống rượu bia đa phần di chuyển bằng taxi, rất ít người đi xe máy, ôtô.
Ngoài quận Cầu Giấy, các quán nhậu ở quận Đống Đa, Hoàn Kiếm tình trạng còn ảm đạm hơn khi nhiều quán nhậu đăng biển khuyến mãi mà khách vẫn chẳng để tâm.
Anh Dũng, chủ một nhà hàng lẩu ở Đống Đa cho biết, ngoài kết hợp với các đơn vị cung ứng đồ uống thực hiện chương trình "mua 3 tặng 1", kèm giảm giá 10% trên hóa đơn ăn uống nhưng vẫn không khả quan. Thế nên, dù đầu mối rượu đưa chiết khấu hấp dẫn nhưng ông không nhập vì chào hàng "năm lần bảy lượt" khách vẫn không quan tâm.
Quán bia hơi tại Hà Nội vắng khách. Ảnh: Anh Tú. |
Tương tự, tại TP HCM, các khu ăn chơi, quán nhậu cũng giảm mạnh doanh số.
Trên Đại lộ Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức) – nơi được coi là điểm tập kết các nhà hàng, quán ăn bình dân, beer club,... vắng hoe vài ngày gần đây. Nhiều nhân viên đứng xuống lòng đường nhiệt tình vẫy tay chào mời khách. Thế nhưng, lượng khách đến quán đa phần giảm 30-50%.
Anh Quý, quản lý một quán nhậu trên đường này cho biết, chỉ 1 – 2 ngày sau khi Nghị định 100 được áp dụng, doanh thu quán đã giảm mạnh. Đặc biệt, lực lượng chức năng đứng canh giữ các trạm trên con đường này trở nên đông hơn nên nhiều khách nhậu chuyển hướng đi nơi khác. Một vài khách ghé thì giảm bớt gọi rượu bia.
"Khách chỉ uống 1-2 ly cũng phạt 7-8 triệu, giam xe, tước bằng, nên có lẽ ai cũng ngại nhậu. Trước kia sau 7h tối là quán kín bàn, nay 8h vẫn chỉ lác đác vài khách", anh Quý nói.
Cũng sụt giảm doanh số trầm trọng, ông Hạnh, chủ quán lẩu dê trên đường Lê Văn Thọ, Gò Vấp (TP HCM) cho biết, doanh số một tuần qua giảm 30%, có những buổi lượng khách giảm tới 70%.
"Chúng tôi áp dụng chương trình khuyến mãi giảm 10% cho 4 khách đi cùng nhau nhưng cũng không thể kích cầu. Thời gian này, khách tới quán đa phần là những người quen sống ở gần đây chứ khách vãng lai hầu như không còn", ông Hạnh nói.
Trao đổi với VnExpress, ông Phúc, Trưởng phòng kinh doanh chuỗi nhà hàng Biacraft ở TP HCM xác nhận doanh số chuỗi của công ty ông giảm 30 - 40%. Nếu trước đây mỗi ngày một nhà hàng có khoảng trên 200 khách ghé thì nay chỉ còn khoảng 120 -130 lượt khách.
Để khắc phục, nhà hàng này chọn cách liên kết với các ứng dụng gọi xe đưa đón để hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên, ông Phúc cho hay, phương án này vẫn không hiệu quả vì nhiều khách hàng cho biết họ muốn tự do đi lại chứ không muốn ràng buộc.
Thay vì đưa đón khách, ông Hạnh, chủ quán nhậu trên đường Lê Đức Thọ chọn cách liên kết với các dịch vụ giao thức ăn để tăng cường bán cho những khách hàng có nhu cầu mua đồ nhậu về nhà. Ông hy vọng với phương án này sẽ giúp quán cải thiện doanh thu trong thời gian tới.
Nghị định 100 quy định xử phạt vi Công ty dịch thuật Đồng Nai phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế nghị định 46 năm 2016), có hiệu lực từ 1/1/2020.
Theo đó, chỉ cần có nồng độ cồn vượt mức 0, lái xe sẽ bị phạt. Mức phạt cao nhất với người đi xe đạp là 400.000 đến 600.000 đồng; xe máy 6 đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng; ôtô 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.
Thi Hà - Anh Tú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét